Quy định, điều kiện tham gia ctrình Eps
Điều kiện khi tham gia chương trình:
- Đủ 18 tuổi đến dưới 39 tuổi;
- Đã được kiểm tra và kết luận đủ sức khoẻ theo quy định tại Thông tư số 14/2013/TT-BYT ngày 06/5/2013 của Bộ Y tế về việc hướng dẫn khám sức khỏe; (nhấn vào để xem Danh sách bệnh viện đủ điều kiện khám sức khoẻ)
- Không có tiền án, tiền sự;
- Không thuộc diện bị cấm xuất cảnh Việt Nam;
- Không thuộc diện bị cấm nhập cảnh Hàn Quốc;
- Được doanh nghiệp Hàn Quốc sử dụng lao động lựa chọn sau khi tham dự và đạt yêu cầu qua kỳ thi tiếng Hàn do Bộ Việc làm và Lao động Hàn Quốc phối hợp với Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội tổ chức.
Quy định khi tham gia chương trình:
I. Quy định về việc ký quỹ trước khi đi làm việc tại Hàn Quốc:
Theo Thông tư liên tịch số 31/2013/TTLT-BLĐTBXH-BTC ngày 12/11/2013 của Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội và Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Quyết định số 1465/QĐ-TTg ngày 21/8/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện thí điểm ký quỹ đối với người lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài của Hàn Quốc
Mục đích: Để đảm bảo người lao động thực hiện đúng hợp đồng đã ký với Trung tâm Lao động ngoài nước về việc đưa người lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS và hợp đồng đã ký với doanh nghiệp Hàn Quốc sử dụng lao động.
Mức tiền ký quỹ: 100.000.000 đồng (Một trăm triệu đồng)
Thời điểm ký quỹ: Người lao động thực hiện ký quỹ chậm nhất là 35 ngày kể từ ngày ký Hợp đồng đưa người lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS với Trung tâm Lao động ngoài nước.
Thời hạn ký quỹ: 5 năm 4 tháng
Thủ tục ký quỹ:
- Người lao động ký Hợp đồng đưa người lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS với Trung tâm Lao động ngoài nước.
- Người lao động phải thực hiện ký quỹ 100.000.000 đồng tại chi nhánh hoặc phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội tại địa bàn người lao động cư trú hợp pháp. Trên cơ sở đó, Trung tâm Lao động ngoài nước sẽ thông báo cho doanh nghiệp Hàn Quốc sử dụng lao động về việc người lao động chấp thuận Hợp đồng lao động để doanh nghiệp làm thủ tục xin giấy phép cư trú cho người lao động.
Hoàn trả, xử lý tiền ký quỹ của người lao động:
- Hoàn trả tiền ký quỹ (gồm cả gốc và lãi) sau khi đã trừ các chi phí phát sinh (nếu có) cho người lao động: (1) về nước đúng thời hạn, (2) tử vong trong thời gian làm việc theo hợp đồng, (3) phải về nước trước thời hạn do điều kiện khách quan (thiên tai, ốm đau, tai nạn,...), (4) không xuất cảnh.
- Tiền ký quỹ (gồm cả gốc và lãi) được sử dụng để bù đắp thiệt hại phát sinh do lỗi của người lao động khi về nước trước thời hạn do vi phạm hợp đồng (nếu thừa sẽ trả lại cho người lao động; nếu thiếu, người lao động phải nộp bổ sung).
- Tiền ký quỹ (gồm cả gốc và lãi) được chuyển vào Quỹ giải quyết việc làm của tỉnh/thành phố đối với các trường hợp sau: người lao động bỏ trốn khỏi nơi làm việc theo hợp đồng hoặc hết hạn hợp đồng không về nước đúng hạn, ở lại làm việc và cư trú trái phép tại Hàn Quốc.
Trường hợp người lao động vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội để ký quỹ thì tiền ký quỹ (gồm cả gốc và lãi) sẽ được sử dụng để trả khoản vay ngân hàng.
II. Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng:
1. Theo Nghị định số 95/2013/NĐ-CP ngày 22/8/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội và đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng:
- Người lao động bị phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, buộc phải về nước, không được đi làm việc tại nước ngoài trong thời gian 2 năm đối với các trường hợp sau:
+ Ở lại nước ngoài trái phép sau khi hết hạn hợp đồng lao động, hết hạn cư trú.
+ Bỏ trốn khỏi nơi đang làm việc theo hợp đồng.
- Người lao động bị phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, buộc phải về nước, không được đi làm việc tại nước ngoài trong thời gian 5 năm đối với các trường hợp sau:
+ Sau khi nhập cảnh nước tiếp nhận lao động mà không đến nơi làm việc theo hợp đồng.
+ Lôi kéo, dụ dỗ, ép buộc, lừa gạt người lao động Việt Nam ở lại nước ngoài trái quy định.
2. Theo Thông tư liên tịch số 32/2013/TTLT-BLĐTBXH-BNG ngày 6/12/2013 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và Bộ Ngoại giao hướng dẫn trình tự, thủ tục xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm quy định tại Điểm a, Điểm b và Điểm c Khoản 2, Điều 35 Nghị định 95/2013/NĐ-CP ngày 22/8/2013 của Chính phủ.
- Cơ quan có thẩm quyền cấp xã/phường nơi người lao động bị xử phạt vi phạm hành chính cư trú không được xác nhận hồ sơ cho người đó để đi làm việc tại nước ngoài trong thời hạn đã ghi tại quyết định xử phạt vi phạm hành chính.
- Trong trường hợp người lao động bị xử phạt không tự nguyện chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong thời gian quy định thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh/thành phố nơi người lao động cư trú sẽ ra quyết định cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính.
Nguồn: http://www.colab.gov.vn